Kỹ thuật canh tác cây lúa

Thời vụ

Thời vụ gieo trồng rất quan trọng, xuống giống đúng thời vụ giúp cây lúa phát triển tốt vì thời tiết trong mùa vụ thích hợp cho lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Mặt khác xuống giống đúng thời vụ giúp cây lúa:

- Tránh bị thiệt hại do thời tiết gây ra như:  Nhiệt  độ  quá  cao hoặc quá  thấp, hạn hán, mưa gió,  lũ lụt… ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, làm giảm năng suất lúa.

- Tránh được một số dịch hại nguy hiểm như bọ trĩ (bù lạch), rầy cánh trắng, nhện gié, bệnh vàng lá chín sớm ...

Thời vụ xuống giống thích hợp cho vụ Đông Xuân từ 15/ 11 đến 15/ 12 và vụ Hè Thu từ 15/4 đến 15/ 5.
 

Giống

Giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Nên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 90 – 100 ngày, năng suất cao, chống chịu với một số sâu bệnh chính và có phẩm chất gạo tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: OM1490, OMCS2000, IR64, MTL250, VD95-20, AS996, OM3536, Lúa thơm…

 

Đất đai

Ruộng cần có chế độ cày bừa, phơi đất tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hạt giống sinh trưởng và phát triển tốt ngay từ đầu,giúp ổn định và tăngnăng suất cây trồng.

Việc làm đất còn mang lại nhiều lợi ích sau:

-Tiêu diệt tàn dư sâu bệnh của vụ trước.

-Phân  hủy nhanh gốc rạ, cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa và giúp cây lúa tránh bị ngộ độc hữu cơ.

-Đất giữẩm tốt, giúp hạt lúa nẩy mầm tốt. Mặt đất bằng phẳng dể dàng sử dụng thuốc diệt cỏ.

-Đất tơi xốp giúp lúa phát triển tốt. Cho năng suất cao.

* Đối với vụ Đông xuân:

- Dọn sạch cỏ.

- Trục đánh bùn và san bằng mặt ruộng bằng máy cày bánh lồng.

* Đối với vụ Hè thu:

- Cày đất bằng máy với độ sâu từ 15–20 cm.

- Phơi ải trong thời gian 1 tháng.

- Bừa, trục và san bằng mặt ruộng bằng máy kéo bánh lồng có công cụ trang phẳng mặt ruộng.

Chú ý: Ruộng phải bằng phẳng, có hệ thống thoát nước tốt và không đọng nước.
 

Gieo sạ

Chuẩn bị hạt giống:
- Làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15%

trong thời gian 5–10 phút, loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.

- Sau đó cho vào bao ngâm trong nước sạch 30 giờ.

- Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, ủ trong 24 giờ đảm bảo hạt vừa nhú mầm.

- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc.

Chú ý: Trước khi gieo sạ 6 giờ, không nên tưới nước cho hạt giống để dễ gieo sạ.
 

Biện pháp gieo sạ:

- Gieo hàng bằng công cụ gieo hàng kéo tay hoặc liên hợp với máy kéo.

- Lượng hạt giống gieo: 100-120 kg/ha.

- Khoảng cách gieo: hàng cách hàng 20 cm.

Chú ý: Lượng hạt giống cho vào trống của công cụ gieo hàng chỉ bằng 2/3 thể tích trống và tránh làm ướt bên trong trống để hạt ra đều.
 

Quản lý nước

- Giai đoạn cây con (0 – 7 NSS): rút cạn nước trước khi sạ và giữ khô mặt ruộng trong

vòng 3 ngày sau khi sạ, ngày thứ 4 cho nước láng mặt ruộng 1 ngày, sau đó rút cạn để đảm

bảo đủ ẩm bề mặt ruộng.

- Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng (7– 42 NSS): Sau khi vô nước bón phân đợt 1 (7 – 10 NSS), nếu đất giữ nước tốt, duy trì nước trong ruộng đến bón phân đợt 2. Sau đó vẫn giữ nước trên mặt ruộng ở mức 5–7 cm đến ngày thứ 30 – 32 NSS (Khi lúa đã đẻ kín hàng), tiến hành rút cạn nước + cắt phân để giúp rễ lúa ăn sâu, ức chế phát triển thân lá, hạn chế chồi vô hiệu, lúa làm đòng thuậnlợi. Giữ ruộng khô đến khi bón phân đón đòng.

- Giai đoạn sinh trưởng sinh thực (42 – 75 NSS): Giữ nước trong ruộng ở mức 1–3 cm.

- Giai đoạn chín (75 NSS trở đi): ở giai đoạn hạt vào chắc, cần hạn chế nước trong ruộng nhằm thúc đẩy dinh dưỡng di chuyển từ thân, lá đến hạt, sớm hoàn tất giai đoạn vào chắc.Giữ nước trong ruộng ở mức 1 cm – đủ ẩm.

 - Giai đoạn chín vàng (7 – 10 ngày trước thu hoạch): tháo cạn nước trong ruộng.
 

Quản lý cỏ dại

Cỏ dại không gây hại trực tiếp cho cây lúa nhưng cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng và nước với cây lúa. Đồng thời, đó còn là nơi trú ẩn của chuột và các loại sâu bệnh hại khác…Đặc biệt, một số loài cỏ dại, như lồng vực, đuôi phụng… còn là ký chủ phụ của rầy nâu truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Ngoài ra, hạt cỏ dại còn lẫn vào lúa khi thu hoạch, gây nhiễm bẩn thóc gạo, làm giảm chất lượng và giá trị tiêu thụ trên thị trường.

Hạt cỏ dại luôn có sẵn trong đất, khi có điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ nẩy mầm và phát triển, gây tác hại cho sự sinh trưởng của cây lúa, nhất là ở giai đoạn đầu. Do vậy, phải diệt cỏ dại ngay từ đầu vụ lúa bằng thuốc hóa học thì mới đạt được hiệu quả cao.
 

Phân loại cỏ dại:

Nhóm cỏ hoà bản: Cỏ lồng vực (cỏ gạo, cỏ mỹ… ), cỏ đuôi phụng… Lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ chùm, ăn nông.


Nhóm cỏ chác lác: Cỏ năn, cỏ lác, cỏ cháo… Lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn óc.
 


Nhóm cỏ lá rộng: Cỏ xà bông, rau mác… Lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau.


Có 2 giai đoạn quan trọng để quản lý và phòng ngừa cỏ dại: thời kỳ tiền nảy mầm và hậu hậu mầm. Việc phòng ngừa cỏ dại đạt hiệu quả tốt nhất là cây lúa dưới 15 ngàytuổi, nếu trễ thì hiệu quả diệt cỏ sẽ không cao.
 

Phân loại thuốc trừ cỏ:

Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm:  phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được một lá, loại thuốc này phải phun sớm sau khi sạ (lúa khoảng 1 – 3 ngày), cần trang bằng mặt ruộng và đất đủ ẩm. Sau phun vài ngày cho nước vào ruộng (1 – 3 ngày), không để ruộng khô sau khi phun thuốc.

Một số hoạt chất trên thị trường: Pretilachlor, Butachlor…

Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: phun thuốc khi cỏ đã mọc ra lá (cỏ có từ 2 – 7 lá, tương ứng với lúa sạ được 7 – 20 ngày ). Loại thuốc này được lá cỏ hấp thu vào bên trong, do đó khi sử dụng, ruộng phải tháo cạn nước để lá cỏ tiếp xúc được với thuốc. Sau khi phun thuốc 1 – 3 ngày, cho nước vào ruộng (không để nước ngập ngọn lúa) và giữ mực nước trong ruộng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của lúa.
Một số hoạt chất trên thị trường: Pyribenzoxim, Penoxsulam, Cyhalofop–butyl…

Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm: phun thuốc khi cỏ đã mọc lá nhưng còn nhỏ (cỏ có từ 1– 3 lá, tương ứng lúa 3–7 ngày sau sạ). Sử dụng thuốc loại này có hiệu quả cao vì được cỏ hấp thu vừa qua lá vừa qua rễ. Loại sản phẩm này có thể phun hoặc trộn với cát, phân bón để rải vào ruộng có nước xăm xấp
Một số hoạt chất trên thị trường: Pyrazosulfuron Ethyl…